tapchilamdep

Cách nhận biết các loại da: da dầu, da khô, da nhạy cảm, da hỗn hợp và da thường

Mỗi cô gái đều sở hữu một làn da khác nhau với những đặc điểm và tính chất khác nhau. Việc hiểu rõ các loại da khác nhau và nhận biết được làn da của mình thuộc dạng nào là vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ làn da. Bài viết dưới đây Tạp Chí Làm Đẹp sẽ bật mí các cách phân loại da và cách nhận biết các loại da khác nhau cũng như cách chăm sóc cho từng loại da cụ thể nhất!

Phân loại các vùng da trên khuôn mặt

Trước khi đi vào phân loại chi tiết các loại da, chúng ta cùng tìm hiểu về các vùng da trên khuôn mặt nhé!

Da mặt chúng ta thông thường được chia làm 2 vùng chính đó là vùng da chữ T và vùng da chữ U. Mỗi vùng da này lại mang những đặc điểm khác nhau.

  • Vùng chữ T (T - Zone): Đây là vùng gồm phần từ trán đến dọc sống mũi và đến cằm được nối với nhau như một chữ T chính giữa gương mặt. Thông thường đây là khu vực dễ tiết dầu và bã nhờn nhất và cũng là khu vực dễ xuất hiện các vấn đề về da nhất.
  • Vùng chữ U (U - Zone): Vùng chữ U bao gồm 2 bên má nối vòng hình chữ U dưới cằm, đây là khu vực ít tập trung bã nhờn, dầu thừa hơn so với vùng chữ T nhưng cũng khá dễ nổi mụn. 

Vùng da chữ T và chữ U
Vùng da chữ T và chữ U

Mỗi một loại da khác nhau thì lại có những đặc điểm về vùng da chữ T và chữ U khác nhau. Để phân biệt các loại da theo cách thông thường có thể quan sát các vùng da chữ T và chữ U về lượng dầu thừa, độ đàn hồi cũng như một vài đặc điểm khác để nhận biết. 

Thông thường làn da sẽ được chia thành 5 loại da khác nhau gồm: da dầu, da khô, da nhạy cảm, da hỗn hợp và da thường. Mỗi loại da lại mang những đặc điểm và các chăm sóc khác nhau.

Da dầu

Da dầu là gì? Các loại da dầu và da nhờn có giống nhau không?

Da dầu là loại da dễ đổ dầu nhờn trên gương mặt, đặc biệt là vùng da chữ T như vùng trán, mũi và cánh mũi. Chắc hẳn nhiều cô gái thường phân vân và mơ hồ rằng liệu "da dầu và da nhờn khác nhau thế nào?", "da dầu và da nhờn có giống nhau không?.

Da dầu và da nhờn là cùng 1 loại da
Da dầu và da nhờn là cùng 1 loại da

Mình sẽ phân biệt rõ ràng như sau: Thực chất da dầu và da nhờn chỉ là 2 cách gọi khác nhau cho cùng một loại da dễ bóng nhờn hay đổ nhiều dầu mà thôi. Đây là tên gọi cho những làn da thường xuyên tiết dầu khi phải hoạt động nhiều hay dưới thời tiết nắng nóng, những làn da này cũng thường xuất hiện nhiều vấn đề về da vì lượng dầu thừa tiết ra quá mức. 

Vậy các làn da dầu thường được nhận biết như thế nào? 

Dấu hiệu nhận biết da dầu

Qua quan sát bằng mắt thường có thể nhận biết da dầu

Có rất nhiều cách khác nhau để nhận biết làn da nào dễ bóng dầu và làn da nào không. Cách đơn giản nhất đó là quan sát bằng mắt thường. Nếu như gương mặt bạn nhìn bị sáng bóng, lỗ chân lông to với nhiều vết dầu nhờn, mồ hôi thì đó là dấu hiệu của một làn da dầu. Khi hoạt động nhiều dưới thời tiết nắng nóng hay gặp stress mà gương mặt dễ đổ dầu nhờn cũng là một dấu hiệu nhận biết làn da dầu. 

Dễ dàng nhận biết da dầu bằng mắt thường
Dễ dàng nhận biết da dầu bằng mắt thường

Bên cạnh quan sát bằng mắt thường thì bạn cũng có thể dùng tay kiểm tra xem trên mặt có nhiều dầu hay da dễ bết dính không bằng cách chạm tay lên da. Tuy nhiên đây là cách không được sử dụng thường xuyên vì tay với các vi khuẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, khi tiếp xúc với da rất dễ nổi mụn.

Dùng giấy thấm dầu kiểm tra xem có phải da dầu hay không 

Đây là cách kiểm tra làn có phải da dầu không với độ chính xác cao và dễ dàng nhất. Những làn da dầu thường tiết nhiều bã nhờn và dầu thừa, để kiểm tra xem da có phải da dầu hay không, bạn có thể sử dụng một tờ thấy thấm dầu thấm lên vùng da chữ T hoặc chữ U. Nếu lượng dầu trên mặt thấm qua giấy thấm dầu và khiến tờ giấy trong suốt hơn thì chứng tỏ da bạn thuộc loại da dầu.

Nguyên nhân gây ra da dầu

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng da dầu bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân chủ quan khiến làn da đổ nhiều dầu có thể do chế độ ăn uống quá cay, nóng, nhiều mỡ khiến làn da thiếu nước và tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn để cấp nước khiến lượng dầu thừa tiết qua bề mặt da tăng cao. Không chỉ vậy, nguyên nhân cũng có thể do chế độ sinh hoạt thất thường, thức khuya hay ngủ không đủ giấc cũng khiến làn da thay đổi các nội tiết tố và làn da tiết nhiều dầu nhờn.

Thói quen ăn uống không lành mạnh gây ra làn da dầu nhờn
Thói quen ăn uống không lành mạnh gây ra làn da dầu nhờn

Bên cạnh những yếu tố sinh hoạt thì chế độ chăm sóc da hằng ngày cũng là nguyên nhân gây nên các loại da dầu nhờn. Nếu bạn không sử dụng những sản phẩm kiềm dầu hay những sản phẩm phù hợp với làn da sẽ khiến tình trạng da bóng nhờn càng nặng và nghiêm trọng hơn.

Về yếu tố khách quan, nguyên nhân tạo nên làn da đổ dầu nhờn có thể do gen di truyền từ gia đình hoặc những biến động về nội tiết tố do ở tuổi dậy thì hay phụ nữ mang thai. Khi nội tiết tố thay đổi, các tuyến dầu nhờn hoạt động cũng bị ảnh hưởng và tiết dầu nhiều hơn bình thường. 

Hậu quả khi không chăm sóc đúng cách làn da dầu

Tên gọi làn da dầu đã phản ánh chính xác đặc điểm nhận dạng của loại da này, với làn da đổ nhiều dầu thì tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh và nhiều hơn các loại da khác. Nếu không có các biện pháp cải thiện tình trạng dầu nhờn trên da thì da sẽ dễ rơi vào tình trạng bóng nhờn, lỗ chân lông nở to và gây ra tình trạng mụn, viêm. Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn dậy thì các hormone sinh dục sẽ có điều kiện để hoạt động mạnh mẽ hơn và khiến làn da càng thêm đổ dầu, bởi vậy đây cũng là lúc làn da mọc nhiều mụn nhất.

Da dầu dễ gây mụn nếu không biết chăm sóc đúng cách
Da dầu dễ gây mụn nếu không biết chăm sóc đúng cách

Chính từ những vết mụn này nếu không được xử lý kịp thời cùng tình trạng bã nhờn sẽ càng khiến làn da trở nên tệ hơn, dễ gây ra nhiều bệnh về da khó chữa. Cùng với đó làn da dầu cũng khiến gương mặt trở nên bóng nhờn. mất thẩm mỹ và khiến các cô gái, chàng trai mất tự tin.

Cách chăm sóc cho da dầu

Thay đổi các yếu tố nội tiết bên trong: Các nội tiết tố bên trong cơ thể có thể bị thay đổi do các yếu tố như ăn uống, sinh hoạt, stress và tạo nên tình trạng da đổ đầu. Để thay đổi điều này và cải thiện làn da, bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý, ăn những loại thức ăn có lợi, nhiều vitamin, uống nhiều nước hơn để cung cấp đủ độ ẩm cho da, giúp hạn chế sự hoạt động của các tuyến bã nhờn khi cơ thể thiếu nước.

Cùng với đó bạn cũng nên thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học hơn, ngủ đủ giấc. Việc ăn uống, ngủ nghỉ đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện làn da dầu nhờn. 

Tham khảo nhiều hơn tại bài viết: Các bước chăm sóc da mặt hàng ngày tại nhà đúng cách giúp sạch nhờn hết mụn

Chế độ dinh dưỡng cải thiện làn da dầu nhờn
Chế độ dinh dưỡng cải thiện làn da dầu nhờn

Để hạn chế tình trạng dầu bóng nhờn trên mặt, việc giữ sạch làn da là rất cần thiết. Bạn nên giữ da mặt luôn sạch và khô thoáng bằng cách rửa mặt ít nhất 2 lần một ngày bằng các dòng sản phẩm chuyên dụng như sữa rửa mặt cho da dầu. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng các loại mỹ phẩm, kem dưỡng có dạng lỏng như gel, sữa, nước để da mặt được hấp thụ các tinh chất tốt nhất, không làm bít tắc lỗ chân lông gây mụn và dầu.

Các dòng mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da có chiết xuất từ thiên nhiên với các thành phần có chức năng kiểm soát dầu nhờn và lành tính sẽ là sản phẩm phù hợp nhất dành cho các cô gái và chàng trai sở hữu làn da dầu, giúp da được khô thoáng và giảm sự tiết dầu nhờn. Những dòng mỹ phẩm dành cho các loại da dầu thường có những cụm từ nhận biết như "no oil, for oily skin, .... 

 Nên đọc:

  1. [Top 4] loại kem chống nắng tốt nhất cho da dầu
  2. [Top 8] dòng kem chống nắng cho da mụn được yêu thích nhất 

Kem chống nắng nào tốt cho da dầu

Kem chống nắng nào tốt cho da dầu

Da khô

Da khô là gì?

Da khô là một trong các loại da khá phổ biến hiện nay, đặc biệt với những người ở độ tuổi trung niên. Làn da khô là những làn da căng, khô và dễ bong tróc. Da khô thường là loại da thiếu hụt lipid khiến da thiếu độ ẩm và dễ lão hóa nhất trong các loại da. 

Da khô khá phổ biến hiện nay
Da khô khá phổ biến hiện nay

Không chỉ da mặt mà những vùng da khác như cánh tay, bàn tay, bàn chân,... cũng rất dễ gặp phải tình trạng khô ráp và sần sùi. Những người có làn da khô thường không bị tiết dầu quá nhiều như những người có làn da nhờn, tuy nhiên cũng chính điều này khiến làn da càng thêm thiếu độ ẩm, dễ bị nứt nẻ, mẩn đỏ và bong tróc.

Dấu hiệu nhận biết loại da khô

Làn da khô thường khá khó phân biệt với da thường nhưng lại rất dễ nhận biết bằng chính cảm nhận cơ thể chúng ta.

Nhận biết da khô bằng quan sát

Những làn da khô ráp thường có biểu hiện căng sần, lỗ chân lông nhỏ, ít mụn nhưng lại dễ bong tróc và nứt nẻ. Da khô cũng ít tiết dầu hơn làn da thường và dễ xuất hiện nếp nhăn hơn.

Da căng sần là biểu hiện của da khô
Da căng sần là biểu hiện của da khô

Nếu khi sờ lên da cảm giác da sần sùi hay có những mảng nẻ, bong da thì khả năng cao bạn đang sở hữu một làn da khô. Bên cạnh đó khi da bị khô, bạn cũng sẽ cảm nhận rõ nét làn da mình bị căng lên khá khó chịu, dễ mẩn đỏ và xót khi gặp nước nóng.

Nhận biết da khô bằng giấy thấm dầu

Da khô là loại da thường thiếu nước và độ ẩm, bởi vậy ngược lại với da dầu, khi dùng giấy thấm dầu trên da khô bạn sẽ không thấy dầu nhờn tiết ra hay thấm lên giấy. Nếu giấy thấm dầu khi sử dụng lên da không thay đổi về độ trong sạch sẽ và không dính dầu thì chứng tỏ làn da bạn thuộc loại da khô.

Nguyên nhân gây ra tình trạng da khô

Về nguyên nhân chủ quan, da khô xuất hiện có thể do những tác nhân như chế độ ăn uống thiếu chất xơ, uống quá ít nước, thiếu vitamin, các khoáng chất cần thiết khiến cho da không được cấp đủ độ ẩm trên bề mặt. Bên cạnh đó, các tác động như sử dụng nước quá nóng hay các loại sản phẩm tẩy trang, rửa mặt, mỹ phẩm chứa nhiều thành phần tẩy rửa và ít cung cấp độ ẩm cũng khiến làn da trở nên thô ráp hơn. 

Nguyên nhân gây ra tình trạng da khô
Nguyên nhân gây ra tình trạng da khô

Về nguyên nhân khách quan, tình trạng da khô có thể hình thành bởi yếu tố thời tiết, khí hậu quá hanh khô, quá lạnh, gió mùa hoặc không khí thiếu độ ẩm, khiến cho lớp biểu bì trên da mất nước và mất đi độ đàn hồi. Bên cạnh đó, da cũng dễ trở nên khô ráp khi bạn uống một vài loại thuốc khiến da mất nước nhiều. Làn da khô cũng có thể một phần bị ảnh hưởng bởi gen di truyền hoặc sự mất cân bằng nội tiết tố bên trong cơ thể. Da khô là tình trạng có thể xảy ra với cả nam lẫn nữ.

Hậu quả khi không chăm sóc tốt làn da khô

Những làn da khô thường dẫn đến tình trạng căng da, mẩn ngứa và bong tróc da. Những người gặp tình trạng da này thường dễ bị ngứa ngáy, khó chịu trong người và đặc biệt là xót khi sử dụng nước nóng. 

Hậu quả khi chăm sóc làn da khô không đúng cách
Hậu quả khi chăm sóc làn da khô không đúng cách

Việc không cung cấp đủ độ ẩm cho da, đặc biệt là loại da khô sẽ khiến làn da trở nên nhạy cảm và dễ kích ứng hơn. Đặc biệt, làn da khô cũng là loại da dễ lão hóa và xuất hiện nếp nhăn nhất trong các loại da. Những người có làn da khô sẽ mất đi độ đàn hồi trên da, khiến da dễ bị nhăn nheo, xuất hiện lão hóa sớm. Cùng với đó, nếu bị mụn với làn da khô thì việc chữa trị sẽ càng khó khăn hơn bởi các sản phẩm trị mụn đều khiến da khô và se lại hơn.

Cách chăm sóc da khô

Đối với làn da khô, việc cấp nước và cấp ẩm là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Bạn nên có chế độ ăn uống với các loại thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin như Omega 3, Lutein, Zeaxanthin, Vitamin D, Kẽm, Probiotic,…, cần chú ý uống nhiều nước hơn, ít nhất 2l nước mỗi ngày để cơ thể có đủ lượng nước khiến da mềm mại, cải thiện kết cấu da và thải các độc tố ra khỏi cơ thể.

Nhiều người thường nghĩ rằng khi làn da bị khô thì rửa mặt càng nhiều sẽ càng khiến da được cấp nước nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, việc rửa mặt quá nhiều sẽ khiến da càng khô nhanh hơn. Chúng ta chỉ nên rửa mặt 2 lần/ngày và có thể cung cấp thêm độ ẩm bằng các sản phẩm xịt khoáng. Bạn cũng cần lưu ý không sử dụng nước quá nóng khi rửa mặt sẽ khiến da dễ bị nẻ và mẩn ngứa.

Cách chăm sóc da khô
Cách chăm sóc da khô

Với làn da có tình trạng khô sần, bong tróc, bạn nên dùng những dòng mỹ phẩm, sản phẩm dưỡng da chứa các thành phần khoáng chất và vitamin giúp cung cấp độ ẩm như vitamin A, C, D, E,... Sau khi rửa mặt, bạn cũng không được quên bước thoa kem dưỡng ẩm để giúp da luôn được mềm mịn và giảm tình trạng căng rát, ngăn ngừa sự thoát nước.

Thêm một lưu ý nữa đó là không nên sử dụng các loại toner hay mỹ phẩm trang điểm chứa cồn với da khô vì sẽ khiến da càng khô và tồi tệ hơn. Bạn cũng có thể thoa lotion vào các vùng da bong tróc và chăm đắp mặt nạ để phục hồi độ đàn hồi và độ ẩm cho da.

Da nhạy cảm

Da nhạy cảm là gì?

Đúng như cái tên, da nhạy cảm là loại da dễ bị kích ứng và "khó tính" nhất trong các loại da phổ biến, loại da này dễ nổi mụn, mẩn đỏ và dễ bị tổn thương. Những người có làn da nhạy cảm thường có lớp da mỏng, dễ dàng nhìn thấy các đường máu trên da. Làn da chúng ta thường có một lớp màng gọi là màng dưỡng ẩm hay màng lipit giúp da được bảo vệ khỏi các yếu tố có hại từ môi trường.

Da nhạy cảm là gì?
Da nhạy cảm là gì?

Đối với làn da nhạy cảm, lớp màng lipid này thường dễ bị mất đi bởi nhiều tác động khiến cho da dễ bị xâm hại và tổn thương khi đã mất đi lớp màng bảo vệ. Làn da nhạy cảm là một làn da cần được chăm sóc một cách đặc biệt và cẩn thận.

Dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm

Nhận biết da nhạy cảm qua quan sát

Bằng việc quan sát thông thường, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các loại da nhạy cảm bởi những nốt mụn mẩn đỏ hay việc làn da dễ bị châm chích, kích ứng khi gặp các tác động bên ngoài.

Dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm
Dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm

Việc da dễ tổn thương và phản ứng với xà phòng, chất tẩy rửa, chất hóa học cũng là biểu hiện của làn da nhạy cảm. Những người có làn da nhạy cảm thường dễ bị mẩn ngứa, da căng rát, châm chích rất khó chịu, da nhạy cảm cũng dễ bắt nắng và bị ửng đỏ.

Dùng giấy thấm dầu để nhận biết da nhạy cảm

Việc sử dụng giấy thấm dầu để nhận biết da nhạy cảm thường khá khó vì loại da này đều có thể rất dầu hoặc rất khô tùy vào nội tiết từng người. Cách duy nhất để phân biệt đó là với da nhạy cảm khi bạn thấm hoặc miết giấy thấm dầu trên da mà da có cảm giác kích ứng hay châm chích khó chịu thì có lẽ làn da của bạn chính là làn da nhạy cảm đó!

Nguyên nhân hình thành da nhạy cảm

Nguyên nhân chính dẫn đến làn da nhạy cảm đó là lớp màng bảo vệ trên da bị biến mất khiến da không được che chắn và ngăn chặn khỏi các vi khuẩn và tác động làm tổn thương da. Việc làn da bị mất đi lớp màng bảo vệ có thể do nhiều yếu tố. 

Về yếu tố khách quan, da nhạy cảm có thể được hình thành bởi gen di truyền từ bố mẹ, ông bà hoặc do chế độ ăn uống quá nhiều chất có hại khiến da không thể thải độc kịp thời và trở nên "yếu ớt hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại mỹ phẩm chăm sóc da không hợp lý cũng là nhân tố chính gây ra làn da dễ kích ứng.

Việc sử dụng các loại mỹ phẩm không phù hợp sẽ khiến da nhạy cảm bị kích ứng và tổn thương
Việc sử dụng các loại mỹ phẩm không phù hợp sẽ khiến da nhạy cảm bị kích ứng và tổn thương

Những dòng mỹ phẩm chứa quá nhiều chất hóa học hay các chất tẩy rửa khiến cho da rất dễ bị tổn thương và phá vỡ lớp màng bảo vệ. Cùng với đó, việc chăm sóc da không sạch khiến vi khuẩn tích tụ cũng gây nhiều kích ứng có hại cho da, da sẽ phản ứng lại và tạo nên những vết mẩn đỏ, mụn nhờn và làm giảm sự đàn hồi cho da.

Ngoài yếu tố chủ quan thì làn da nhạy cảm còn do tác động từ thiên nhiên, thời tiết quá nóng gắt hoặc quá lạnh hanh khiến da không được bảo vệ và trở nên nhạy cảm hơn. Khói bụi, ô nhiễm không khí cũng là tác nhân khiến da dễ bị kích ứng và mẩn đỏ.

Hậu quả khi không chăm sóc đúng cách các loại da nhạy cảm

Da nhạy cảm là loại da sẽ để lại hậu quả nguy hiểm và tồi tệ nhất nếu không được chăm sóc đúng cách và cẩn thận. Làn da nhạy cảm vốn đã dễ bị kích ứng và tổn thương, nếu không chăm sóc hoặc chăm sóc sai cách thì tình trạng tổn thương da sẽ càng trở nên nặng hơn và khó khăn trong việc cải thiện. 

Da nhạy cảm rất dễ mẫn cảm với các yếu tố bên ngoài như môi trường, thời tiết, khí hậu, các sản phẩm dưỡng da chứa nhiều thành phần hóa học cũng là tác nhân gây hại cho da nhạy cảm.

Hậu quả khi không chăm sóc đúng cách các loại da nhạy cảm
Hậu quả khi không chăm sóc đúng cách các loại da nhạy cảm

Làn da nhạy cảm rất mỏng, nếu bạn không chăm sóc cẩn thận sẽ gây ra tình trạng mẩn đỏ, nổi mụn, bong tróc da kéo dài ảnh hưởng không chỉ tới thẩm mỹ mà còn tới sức khỏe. Việc chăm sóc da nhạy cảm đã khó, nếu để da nổi mụn hay trở nên khô ráp sẽ càng khó điều trị hơn vì làn da này vốn đã kén các sản phẩm mỹ phẩm.

Cách chăm sóc làn da nhạy cảm

Là một làn da khó tính nhất trong các loại da, việc chăm sóc da nhạy cảm không phải dễ dàng nhưng cũng không phải quá khó. Với làn da nhạy cảm, bạn cần chú trọng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, cung cấp các dưỡng chất và vitamin cần thiết để da được khỏe mạnh hơn, lớp màng bảo vệ da được chắc chắn hơn.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt tác động nhiều đến việc cải thiện da nhạy cảm
Chế độ ăn uống, sinh hoạt tác động nhiều đến việc cải thiện da nhạy cảm

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc phù hợp với da nhạy cảm là vô cùng quan trọng. Da nhạy cảm cần sử dụng những dòng mỹ phẩm riêng dành cho loại da này. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm mỹ phẩm, làm đẹp không chứa chất kích thích, hóa học và có nguồn gốc từ các thành phần thiên nhiên lành tính để da không bị kích ứng. Cùng với đó, các sản phẩm có chứa hương liệu hay chất tạo màu cũng không phù hợp cho da nhạy cảm.

Về chế độ skincare thì da nhạy cảm sẽ phức tạp hơn các loại da khác. Bạn nên sử dụng những sản phẩm rửa mặt, dưỡng da, toner có kết cấu mỏng nhẹ như gel, sữa, nước để da không bị rít và bít tắc lỗ chân lông. Cùng với đó những dòng toner và kem dưỡng hay kem chống nắng chứa cồn cũng nên tránh để da không bị tổn thương. Để lựa chọn các sản phẩm phù hợp với da bạn nên thoa thử sản phẩm để test nếu được hoặc xem các review sản phẩm.


Nên sử dụng sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm, thường có chữ "for sensitive skin"

Cuối cùng, việc quan trọng trong chăm sóc da nhạy cảm đó là tránh để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bởi các tia UV có hại sẽ khiến da tổn thương và tồi tệ hơn. Bạn nên nhớ sử dụng kem chống nắng và che chắn da cẩn thận. Đặc biệt, nên dùng loại kem chống nắng vật lý để dịu nhẹ và ít kích ứng nhất.

Da hỗn hợp

Da hỗn hợp là gì?

Da hỗn hợp là loại da tổng hợp của hai hay nhiều loại da khác nhau như da khô, da dầu, da nhạy cảm. Đây là loại da thường dễ đổ dầu và mọc mụn ở vùng chữ T. Ngược lại khu vực da vùng chữ U hai bên má lại không đổ dầu và khá khô. Da hỗn hợp là một tuýp da khá khó chăm sóc và ẩn chứa nhiều vấn đề về da. 

Da hỗn hợp là gì?
Da hỗn hợp là gì?

Da hỗn hợp có thể rất khô hoặc rất dầu nên chúng ta có thể phân biệt làn da hỗn hợp ra 2 loại là:

  • Da hỗn hợp thiên dầu: Da tiết dầu nhiều ở phần giữa khuôn mặt, đặc biệt là vùng chữ T, vào mùa nóng thì gương mặt đổ dầu nhờn nhiều, vào mùa lạnh trừ vùng chữ T thì các vùng hai bên má khô và bình thường.

Hướng dẫn chăm sóc da hỗn hợp đúng cách

Hướng dẫn chăm sóc da hỗn hợp đúng cách

  • Da hỗn hợp thiên khô: Đây là loại da có các vùng da hầu hết là khô trừ vùng da chữ T dễ tiết dầu nhưng không quá nhiều.

Dấu hiệu nhận biết da hỗn hợp

Làn da hỗn hợp khác với những làn da khác vì độ phức tạp của loại da này. Để nhận biết da hỗn hợp bạn có thể áp dụng 2 cách sau đây:

Nhận biết da hỗn hợp qua quan sát

Nếu nhìn vào gương mặt thường ngày sẽ không dễ để phát hiện da bạn có phải loại da hỗn hợp hay không. Cách nhanh và chính xác nhất đó là bạn nên rửa mặt sạch, sau đó để khô trong khoảng 1-2 tiếng hoặc qua đêm.

Dấu hiệu nhận biết da hỗn hợp
Dấu hiệu nhận biết da hỗn hợp

Nếu sau đó, bạn quan sát nếu da xuất hiện tình trạng đổ dầu ở vùng chữ T như trán, mũi hoặc cánh mũi và khô ở vùng chữ U như hai bên má thì chứng tỏ bạn sở hữu làn da hỗn hợp. Ở một vài người thì làn da sẽ xuất hiện các vết mẩn đỏ trên da. 

Nhận biết da hỗn hợp bằng giấy thấm dầu

Việc sử dụng giấy thấm dầu để nhận biết cũng khá đơn giản và dễ thực hiện. Bạn nên sử dụng giấy thấm dầu riêng cho 2 vùng da chữ T và chữ U để quan sát. Nếu giấy thấm dầu trở nên trong và xuất hiện vết dầu ở vùng da chữ T và bình thường ở vùng da chữ U hay những vùng khác thì da bạn có khả năng thuộc loại da hỗn hợp.

Nguyên nhân gây nên làn da hỗn hợp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng da hỗn hợp như do gen di truyền hay tác động từ việc ăn uống bất hợp lý như ăn quá nhiều đồ mỡ, cay nóng hay hút thuốc nhiều hoặc chế độ sinh hoạt thiếu khoa học khiến da chỉ đổ dầu và mọc mụn ở một vài vùng. Có một vài người thường có làn da thường vào mùa nóng và chuyển thành da hỗn hợp vào mùa lạnh. Điều này có thể do tác động chủ quan của việc ăn uống, sinh hoạt không hợp lý hoặc do thời tiết biến đổi.

Nguyên nhân gây nên làn da hỗn hợp
Nguyên nhân gây nên làn da hỗn hợp

Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm như sữa rửa mặt, tẩy trang, kem dưỡng có độ tẩy rửa quá mạnh hoặc không phù hợp cũng khiến da bị kích ứng, sưng đỏ và tiết dầu nhiều hơn ở một vài khu vực như vùng chữ T. Với làn da hỗn hợp nếu bạn sử dụng một loại sản phẩm cho tất cả các vùng da sẽ tạo nên kích ứng da khác nhau từng khu vực, khiến tình trạng da không đồng đều.

Nhìn chung, không có quá nhiều nguyên nhân đặc biệt gây ra tình trạng da hỗn hợp như các loại da khác bởi làn da này vốn đã là sự tổng hợp của nhiều tình trạng da khác nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hậu quả khi không chăm sóc làn da hỗn hợp đúng cách

Nhiều người thường cho rằng làn da hỗn hợp là loại da không cần phải chăm sóc quá kĩ vì da không bị quá khô hay quá dầu. Đây là nhận định hoàn toàn sai lầm. Việc chăm sóc da hỗn hợp khá phức tạp vì từng vùng da lại mang tính chất khác nhau. Nếu sử dụng những sản phẩm hay cách chăm sóc không phù hợp sẽ khiến tình trạng da ở mỗi vùng thêm tệ hơn. 

Da hỗn hợp có thể chuyển thành da dầu, da khô, da nhạy cảm nếu không biết chăm sóc
Da hỗn hợp có thể chuyển thành da dầu, da khô, da nhạy cảm nếu không biết chăm sóc

Ví dụ nếu bạn sử dụng một sản phẩm dưỡng da với độ cấp ẩm cao thì vùng da chữ U của làn da dầu sẽ được mềm mịn và căng mướt, tuy nhiên với vùng da chữ T thì tình trạng tiết dầu nhờn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và khiến vùng da này thêm tổn thương, dễ bít tắc lỗ chân lông và mọc mụn. 

Việc chăm sóc da hỗn hợp không đúng cách có thể khiến làn da hỗn hợp trở thành làn da dầu, da khô hay da nhạy cảm bất cứ lúc nào.

Cách chăm sóc da hỗn hợp

Với làn da hỗn hợp, bạn nên chú trọng lựa chọn và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có công thức đặc biệt được điều chế riêng cho da hỗn hợp. Mình sẽ chia 2 cách chăm sóc da theo 2 loại da hỗn hợp là hỗn hợp thiên khô và hỗn hợp thiên dầu.

Da hỗn hợp thiên khô

Với các loại da hỗn hợp thiên khô, bạn có thể sử dụng sản phẩm tẩy trang, sữa rửa mặt, kem dưỡng có chất kem đa dạng từ gel, cream đến dạng sữa. Làn da hỗn hợp thiên khô thường dễ bị bong tróc hay nẻ, nên bạn cần chú ý sử dụng những sản phẩm tẩy rửa không có dạng hạt để hạn chết kích ứng da.

Cách chăm sóc da hỗn hợp
Cách chăm sóc da hỗn hợp

Cùng với đó, làn da hỗn hợp thiên khô thường khô ở hai bên và đổ dầu nhẹ ở vùng chữ T, nên khi bôi kem dưỡng hay serum bạn nên thoa một lớp dày ở vùng da khô và thoa lớp kem mỏng ở vùng tiết dầu nhiều. Thêm một điều quan trọng trong các bước dưỡng da hỗn hợp thiên khô đó là bạn luôn cần nhớ dùng kem dưỡng ẩm cuối cùng để khóa lớp dưỡng, giúp da cấp ẩm sâu hơn.

Da hỗn hợp thiên dầu

Với làn da hỗn hợp thiên dầu thì việc làm sạch da vô cùng quan trọng để giữ vùng da tiết dầu được khô thoáng và không bị bít tắc lỗ chân lông. Bạn nên sử dụng các sản phẩm tẩy trang dạng nước và các sản phẩm sữa rửa mặt có chiết xuất thiên nhiên như trà xanh, hoa cúc để làm sạch da và loại bỏ bụi bẩn. 

Làn da hỗn hợp thiên dầu cũng sẽ được cải thiện đáng kể bằng việc tẩy da chết với những sản phẩm có chứa BHA. BHA là thành phần đặc biệt giúp làn da có khuyết điểm được làm sạch sâu trong các lỗ chân lông, ngăn chặn vi khuẩn gây mụn hay bã nhờn. Tẩy da chết chứa BHA sẽ giúp làm sạch các vi khuẩn tích tụ trên da, giúp da khỏe mạnh hơn.

Có thể sử dụng mỹ phẩm phù hợp với từng vùng da khác nhau với làn da hỗn hợp
Có thể sử dụng mỹ phẩm phù hợp với từng vùng da khác nhau với làn da hỗn hợp

Sau khi tẩy da chết, bạn cần nhớ sử dụng kem chống nắng và dưỡng ẩm đầy đủ. Đừng quên thoa nhiều kem dưỡng ẩm hơn cho vùng da khô hai bên má. Cho những vùng ít khô hơn, bạn có thể sử dụng lotion có cấu trúc dưỡng ẩm,cho vùng da bị dầu, bạn chỉ cần sử dụng toner là đủ để có làn da khỏe rồi.

Cuối cùng, cho dù là làn da hõn hợp thiên khô hay thiên dầu thì bạn cũng cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, đây là yếu tốc tác động rất nhiều đến sức khỏe làn da sâu từ bên trong.

Da thường

Da thường là gì? 

Da thường có lẽ là loại da mà mọi cô gái đều mong muốn sở hữu. Làn da thường là một làn da khỏe mạnh, có sự cân bằng, không quá khô cũng không quá dầu và đây cũng là làn da ít vấn đề nhất so với các loại da khác. Làn da thường có độ đàn hồi tốt, màu da đồng đều, không có vùng da bị xỉn màu hay quá khô, quá nhờn. Loại da này cũng không quá nhạy cảm với các sản phẩm mỹ phẩm, làm đẹp, dễ chăm sóc và không có nhiều khuyết điểm.

Da thường là gì? 
Da thường là gì? 

Dấu hiệu nhận biết làn da thường

Qua quan sát

Đây có lẽ là loại da dễ nhận biết nhất, làn da thường không có quá nhiều vấn đề hay khuyết điểm trên da. Da sáng màu, căng mượt, mịn màng, lỗ chân lông nhỏ và có sự cân bằng giữa độ ẩm và độ khô.

Dấu hiệu nhận biết làn da thường
Dấu hiệu nhận biết làn da thường

Da thường không bị tiết dầu nhiều và cũng không bị quá căng rát. Làn da thường cũng không bị kích ứng với các sản phẩm mỹ phẩm như các loại da đặc biệt khác. Kết cấu da của làn da thường cũng khá săn chắc, có độ đàn hồi tốt.

Nhận biết bằng giấy thấm dầu

Với làn da thường, khi sử dụng giấy thấm dầu bạn sẽ không thấy xuất hiện quá nhiều vệt dầu trên giấy thấm và tờ giấy thấm dầu như không có nhiều thay đổi. 

Yếu tố giúp tạo nên làn da thường

Điều tạo nên một làn da thường khỏe mạnh đến từ nhiều yếu tố khác nhau, có thể do gen di truyền, yếu tố khí hậu, thời tiết, môi trường,... trong đó chế độ ăn uống và chăm sóc da đóng vai trò hàng đầu.

Yếu tố giúp tạo nên làn da thường
Yếu tố giúp tạo nên làn da thường

Những người có làn da thường khỏe mạnh hầu hết đều có chết độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Việc ăn uống hiệu quả và tập thể dục thể thao thường xuyên giúp nội tiết tố cơ thể ổn định và làn da sẽ được khỏe mạnh sâu từ bên trong.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc làn da đúng cách, giữ da sạch sẽ, khô thoáng, cung cấp đủ các dưỡng chất cho da cũng là nhân tố tạo nên làn da thường ít khuyết điểm với độ đàn hồi tốt.

Da thường có cần chăm sóc không? 

Nhiều người cho rằng làn da thường đã đủ khỏe mạnh và hoàn hảo rồi nên không cần chăm sóc quá kỹ. Tuy nhiên đây là quan điểm sai lầm. Nếu đã sở hữu một làn da thường mà không biết cách chăm sóc hoặc không biết cách duy trì tình trạng da sẽ khiến làn da thường biến đổi thành làn da dầu, da mụn hay da nhạy cảm. Các yếu tố nội tiết tố sẽ thay đổi liên tục trong cơ thể, bởi vậy việc duy trì chăm sóc da khỏe mạnh là vô cùng cần thiết.

Da thường cũng cần chăm sóc như  các loại da khác
Da thường cũng cần chăm sóc như  các loại da khác

Nếu bạn "bỏ bê", không chăm sóc làn da thường thì da sẽ dễ tích bụi bẩn tạo mụn hay các vấn đề về da như nám, lão hóa, khiến tình trạng da ngày một xấu hơn. Việc chăm sóc da dù là làn da khỏe mạnh hay da nhiều khuyết điểm cũng đều vô cùng quan trọng.

Cách chăm sóc làn da thường

Việc chăm sóc làn da thường có phần đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với các loại da khác. Làn da thường vốn đã ít khuyết điểm nên bạn chỉ cần tiếp tục chăm sóc và duy trì tình trạng da khỏe mạnh là ổn. Chúng ta cần chế độ ăn uống khoa học và hợp lý.

Cách chăm sóc làn da thường
Cách chăm sóc làn da thường

Làn da thường không quá kén các sản phẩm mỹ phẩm, làm đẹp, bởi vậy bạn chỉ cần tập trung vào các bước chăm sóc da cơ bản như: tẩy trang, rửa mặt, dưỡng ẩm và chống nắng để duy trì sự đàn hồi và căng mịn của làn da. Các sản phẩm chăm sóc da bạn có thể lựa chọn khá đa dạng, chỉ cần tránh những thành phần mà bản thân dị ứng. Có thể sử dụng thêm các dòng sản phẩm với những công dụng đặc biệt tùy vào nhu cầu bản thân như làm trắng da, chống lão hóa, ngăn ngừa tàn nhang, nếp nhăn,...

Trên đây là toàn bộ những kiến thức và thông tin về các loại da khác nhau, hy vọng rằng với bài chia sẻ này, bạn sẽ có thể nhận biết được làn da của mình thuộc loại nào và tìm được những cách chăm sóc da phù hợp nhất. 

Bài viết phổ biến
Nên mua máy hút sữa loại nào tốt nhất hiện nay 2024 – Hút Mạnh, Kích sữa
14/07/2023
{TOP} 10+ Tai nghe chụp tai Bluetooth không dây giá rẻ tốt nhất 2024
25/08/2023
{TOP} 10+ hộp cơm giữ nhiệt Zojirushi mẫu mới nhất 2024
24/08/2023
Nồi cơm điện cao tần loại nào tốt? Có nên mua hàng Nhật bãi nội địa?
20/08/2023
{Top} 7 mẫu tranh thêu chữ thập cha mẹ mới nhất, đẹp nhất, giá rẻ nhất hiện nay
25/05/2023
Review Cốc nguyệt san loại nào tốt nhất? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
20/08/2023
{Review} Robot hút bụi Xiaomi Dreame D9 Pro có tốt không? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu giá rẻ?
04/05/2023
Tông đơ Codos chính hãng có tốt không? Loại nào tốt? Top 7 tông đơ cắt tóc Codos tốt nhất 2024
12/07/2023
{Review} Son Bbia 36 là màu gì? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu chính hãng?
12/07/2023
{REVIEW} Bình sữa Nuk có tốt không? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
23/07/2023
Những lời chúc sinh nhật hay, câu chúc mừng sinh nhật hay, ý nghĩa nhất
20/09/2023
{Review} Sữa rửa mặt Cosrx có tốt không? Mua ở đâu chính hãng? Giá bao nhiêu?
06/08/2023
BST tóc nam ngắn đẹp, siêu ngầu, cực chất dành cho phái mạnh
04/08/2022
{Review} Nồi chiên không dầu Perfect có tốt không? Nên mua loại 5l, 4l hay 2.5l?
09/06/2023
Chỉ số BMI là gì? Công thức và cách tính BMI Online
20/08/2023
{Review} Kem chống nắng Sunplay loại nào tốt? Giá bao nhiêu?
12/04/2023
Cạo vôi răng có đau không, giá bao nhiêu, cách lấy vôi răng chuẩn nhất
05/08/2022
{Review} Kem chống nắng Centella của Skin1004 có tốt không? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
13/07/2023
{Review} Son Bbia 23 là màu gì? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu chính hãng?
11/07/2023
{REVIEW} Máy hút sữa Medela Pump in style Advanced rút gọn có tốt không?
27/08/2023
Sản phẩm liên quan
[Review] Top 9 Máy triệt lông cá nhân mini cầm tay tốt nhất 2024
[Review] Top 10 Kem dưỡng trắng da mặt hiệu quả nhất, tốt nhất hiện nay
Các bước chăm sóc da mặt hàng ngày tại nhà đúng cách giúp sạch nhờn hết mụn
Mặt nạ đất sét có tác dụng gì? Top 10 mặt nạ đất sét tốt nhất hiện nay
Mặt nạ mắt loại nào tốt nhất hiện nay, giá rẻ nhất? Top 10 mặt nạ dành cho mắt được yêu thích nhất 2024
{Review} Máy rửa mặt Emmie by Happy Skin có tốt không, giá bao nhiêu?
1 2 3 4 Next